Xin chào,
Daido
“Ngoài cửa nhà tôi là xứ sở diệu kỳ.” Daido Moriyama, nhiếp ảnh gia thường chụp mọi vật khiến ông tò mò với chiếc máy ảnh nhỏ ông mang theo khắp nơi. Giờ đã 85 tuổi, Moriyama vẫn yêu nhiếp ảnh và cởi mở chia sẻ về đời sống và nghệ thuật.
Daido Moriyama
Nghệ sĩ nhiếp ảnh
Sinh năm 1938 ở Osaka. Năm 1958, ông mở cửa hàng ở Osaka và làm nghề thiết kế tự do. Sau khi làm phụ tá nhiếp ảnh cho nghệ sĩ Takeji Iwamiya, ông đến Tokyo năm 1961 để cộng tác với tổ hợp nhiếp ảnh VIVO, và sau đó làm việc cùng nhiếp ảnh gia Eikoh Hosoe, làm phụ tá cho tập ảnh Ordeal by Roses (1963), là tập ảnh chân dung về Yukio Mishima của nghệ sĩ này. Năm 1966, ông bắt đầu làm việc với nhiếp ảnh gia Takuma Nakahira. Năm sau đó, ông thắng giải thưởng Nghệ Sĩ Mới của Hiệp hội Phê bình Nhiếp ảnh Nhật Bản. Năm 1971, tác phẩm “Chó hoang” xuất hiện trên tạp chí Asahi Camera. Tác phẩm này sau đó được trưng bày khắp thế giới, Moriyama đã sáng tác nhiều sách ảnh, trong đó có các tập Japan: A Photo Theater, Farewell Photography, Light and Shadow, và loạt tuyển tập ảnh Record. Năm 2021, ông hợp tác với UT làm 5 mẫu áo thun, “Chó hoang” là một trong số đó. Tác phẩm của ông cũng nằm trong dự án PEACE FOR ALL vào năm 2023. Tập sách ảnh THE TOKYO TOILET/ DAIDO MORIYAMA / SWITCH do Công ty Xuất bản Switch ấn hành.
- CH1. Hôm qua ông đã chụp ảnh ở đâu và chụp gì?
- Tôi đi bộ dọc theo đường Komachidori ở Kamakura. Tôi rất thích chụp ảnh trong đám đông. Những con phố mua sắm có diện mạo khác nhau tùy thời điểm, điều kiện ánh sáng và hướng đi, vì vậy tôi luôn dạo quanh hai vòng. Tôi nghĩ mình chụp khoảng 50 tấm ảnh.
- CH2. Mấu chốt của nhiếp ảnh đường phố là gì?
- Là không phân vân. Bạn cần hành động ngay theo bản năng. Nếu tôi đi bộ qua đám đông, tôi chụp ảnh ngay khi có cảm hứng, thậm chí trước cả khi bắt đầu tự hỏi là mình có nên chụp không. Tôi dùng máy ảnh nhỏ gọn và hiếm khi nào dùng kính ngắm.
- CH3. Mỗi ngày ông dành bao nhiêu thời gian đi chụp ảnh?
- Tôi sẽ đi dạo vòng quanh khoảng 2-3 giờ. Vì hiện giờ tôi sống ở Zushi, nên tôi không đến Shinjuku hay Ikebukuro thường xuyên như trước đây.
- CH4. Điều gì thu hút ông đến Shinjuku và Ikebukuro?
- Đi từ Osaka lên, nhà ga Shinjuku là nơi đầu tiên tôi thấy ở thành phố. Với tôi, đây chính là nơi Tokyo bắt đầu. Họ nói rằng Tokyo là thành phố của khát khao và thật tuyệt vời khi tôi có thể ghi lại những hình ảnh như thế.
- CH5. Trải nghiệm nhiếp ảnh thú vị nhất của ông là gì?
- Buenos Aires là nơi đáng nhớ hơn cả. Nơi đây tràn đầy nhục cảm, và tôi không nói về khiêu vũ tango đâu nhé. Thành phố này có mùi hương. Nó sôi sục khát vọng. Quyển sách tôi thực hiện đã ra mắt hơn hai mươi năm trước. Tôi đến đó hai lần, mùa đông và mùa hè.
- CH6. Thành phố nào đứng đầu danh sách ông muốn đến thăm nhất?
- Tôi luôn muốn đến thành phố Mexico, dù chưa một lần đặt chân đến đó. Tôi không chắc mình sẽ làm được nhưng trong tâm trí tôi, đó là một nơi vô cùng sôi động.
- CH7. Có bức ảnh nào ông không quên được?
- Mỗi bức ảnh đều là một phần của tôi nên tôi không so sánh bức này với bức kia. Tôi thích nghĩ rằng bức ảnh tốt nhất mình vẫn chưa chụp được. Trong mảng nhiếp ảnh con người, tôi muốn nhắc đến tập ảnh New York (năm 1956) của William Klein. Quyển sách này đã có ảnh hưởng to lớn suốt sự nghiệp của tôi. Đó là tập sách ảnh tôi thích nhất.
- CH8. Những nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ nào đã khiến ông trở thành như hôm nay?
- Chắc chắn là có Klein. Tôi vẫn xem lại tập ảnh đó đến tận bây giờ. Những bức ảnh chụp nhanh ở New York New York thật choáng ngợp. Sự chính xác của điểm lấy nét và sự đồng cảm khiến tôi nổi gai ốc. Năm 1971, lần đầu tiên tôi đến New York với nghệ sĩ hiện đại Tadanori Yokoo. Khi ấy Andy Warhol làm chủ cả thành phố. Tôi là người hâm mộ Warhol. Trong tâm trí tôi, ông ấy không phải là nghệ sĩ, mà là người sáng tạo ảnh, theo nghĩa rộng nhất. Cũng như khi ông sao chép các bức ảnh của Marilyn Monroe hay ảnh hộp xúp Campbell’s. Yokoo đề xuất chúng tôi nên đi gặp ông vì tôi hâm mộ ông quá, nhưng tôi lại hoảng lên trước ý nghĩ đó, lo sợ đến mức bảo rằng thôi không cần, đây vẫn là điều khiến tôi nuối tiếc đến giờ.
- CH9. Có chủ đề nào ông muốn chụp ảnh không?
- Thật khó để trả lời ngay lúc này. Bởi vì tôi luôn hướng đến bức ảnh tiếp theo.
- CH10. Điều gì khơi gợi ông chụp ảnh?
- Một người chỉ cần bước ra ngoài để dẫn lối vào thế giới thần tiên. Tôi không thể nào không chụp lại những gì mình chứng kiến. Mọi người có thể nói gì về kết quả tùy thích, tôi không quan tâm lắm, tôi chỉ chụp những thứ lên tiếng với mình. Điều này cực kỳ đúng với ảnh chụp nhanh. Bạn có thể suy nghĩ sau.



BUENOS AIRES
Tập ảnh xuất bản năm 2005. Lời cuối sách: “Từ khi tìm ra những bức ảnh về nơi cảng biển cũ kỹ và đầy hoài nhớ, và tìm hiểu về nguồn gốc của vũ điệu tango đầy đam mê và nhục cảm ở nơi gọi là La Boca, sự mong nhớ dần hình thành trong trái tim tôi, về Argentina, về thị trấn Buenos Aires, cùng với những cung bậc cảm xúc dễ chịu đến từ tên gọi của thành phố, mà tôi không cách nào quên được.” Tập ảnh ghi lại cung bậc yêu đương đầy hỗn loạn ở nơi này.
Tập sách ảnh Tập sách ảnh THE TOKYO TOILET/ DAIDO MORIYAMA / SWITCH, chụp về nhà vệ sinh công cộng ở Shibuya. Sách do Paris Photo xuất bản. Moriyama xem qua tập ảnh tại xưởng của người thiết kế sách, Satoshi Machiguchi.
- CH11. Nhiếp ảnh có phải nghệ thuật không?
- Bạn có thể coi đó là môn nghệ thuật, nhưng nếu bạn không nghĩ vậy cũng được. Tôi sẽ không nói mình nghĩ về nó theo cách đó. Đúng hơn là phiên bản của thế giới, qua góc nhìn của máy ảnh.
- CH12. Những bộ phim nào có ảnh hưởng đến ông nhất?
- Khi tôi còn ở Osaka, thời hai mươi tuổi hoặc cỡ tuổi đó, tôi cực kỳ mê bộ phim Purple Noon. (Trưa tím) của Alain Delon. Bộ phim giúp tôi mở mắt nhìn ra thế giới. Về phần đạo diễn, nhiếp ảnh gia Takuma Nakahira chính là một Godard, và tôi là một Fellini. Khi còn trẻ, Nakahira và tôi thường xem phim nước ngoài với nhau. Tôi vẫn không hiểu anh ấy thấy gì ở đạo diễn Godard. Tương tự như anh ấy không thể cảm được phim của Fellini. Dù khác biệt nhưng hẳn là phải có điểm chung nào đó khiến chúng tôi đi cùng nhau.
- CH13. Mỗi ngày ông sẽ làm gì để khởi động công việc chụp ảnh của mình?
- Không có gì đặc biệt! Tất cả những gì tôi cần là một chiếc máy ảnh và một thành phố để đi đến. Nếu thành phố đó là Tokyo, tôi sẽ chọn một khu phố xung quanh. Một ngày nào đó có thể tôi muốn chụp ảnh ở Nakano, hoặc có thể đến Takadanobaba rồi đến Sangenjaya, v.v.
- CH14. Ông hãy tóm gọn về thời trang của mình?
- Quần jeans và áo thun, hoặc khi trời lạnh thì mặc áo len và áo khoác cơ bản. Tôi thường mặc nhiều màu đen.
- CH15. Ông thích áo thun có vẽ hình họa không?
- Tôi có áo Mickey và áo thun hộp xúp Campbell’s. Tôi sẽ mặc áo thun có hình nếu hình hợp phong cách của tôi. Tôi thích chuột Mickey từ khi còn bé cơ. Thỉnh thoảng tôi sẽ mặc áo thun UT có in ảnh tôi chụp trên đó. Nhưng hầu hết thời gian tôi mặc áo thun đen trơn. Có thể vì trong những năm đầu đời tôi làm thiết kế, việc đó khiến tôi yêu thích một số hình đồ họa nào đó. Khi tôi làm việc cho xưởng ở Osaka, tôi dành rất nhiều thời gian xem tạp chí thời trang từ nước ngoài. Tôi nghĩ điều này chắc có ảnh hưởng đến tác phẩm sau này của tôi.

©Daido Moriyama Photo Foundation
Bức ảnh nổi tiếng của ông Moriyama có tên là “Chó hoang,” ông chụp ở Aomori, Misawa, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ. Khi ông Moriyama bước ra cửa khách sạn, chú chó đứng ngay phía trước. Khi rửa ảnh và phóng to lên, ông rất thích biểu hiện trên gương mặt chú. Bức ảnh này là một trong những tác phẩm quý giá của ông.


Bộ Sưu Tập UT Daido Moriyama
Bộ sưu tập áo thun UT năm 2021 in bức ảnh “Chó hoang.” Bản in ảnh gốc có đầy đủ chân dung chú chó, nhưng áo thun đã cắt bỏ nhiều phần của ảnh. Moriyama cho biết đây là bức được in nhiều nhất của ông.

PEACE FOR ALL
Bức ảnh Núi Phú Sĩ của Moriyama được dùng trong bộ sưu tập áo thun PEACE FOR ALL. Ông cùng với nhiều nghệ sĩ xuất chúng chia sẻ khao khát hành động vì thế giới hòa bình, với tất cả lợi nhuận sẽ được quyên góp cho các tổ chức quốc tế giúp đỡ người trong đói nghèo, bị kỳ thị và chiến tranh. *
*Công ty mẹ của UNIQLO là Fast Retailing Co., Ltd. sẽ đóng góp phần tiền tương đương với toàn bộ lợi nhuận (không ít hơn 20% giá bán sản phẩm) cho các tổ chức UNHCR, Save the Children Nhật Bản, và Plan International Inc. Khuyến mãi sản phẩm này do tập đoàn Fast Retailing thực hiện, là công ty mẹ của UNIQLO Nhật Bản.
- CH16. Mỗi buổi sáng thức dậy ông thường làm gì đầu tiên?
- Khi thức dậy, tôi sẽ đi vào bếp hút thuốc. Tôi đã bỏ được rượu nhưng không thể bỏ được thuốc lá.
- CH17. Món ăn yêu thích nhất của ông là gì?
- Tôi thường ăn các món cơ bản như cà ri. Tôi chưa từng thử ăn một món, nhưng tôi rất hay nói là mình muốn thử ăn món này trong nhiều thập niên rồi, nhưng có lẽ là chẳng bao giờ thử, đó là món ba rọi chiên giòn, món mà tôi nhớ đã đọc trong truyện của nhà văn Takeshi Kaiko. Đọc lên nghe ngon lành lắm.
- CH18. Ông nghĩ gì về UNIQLO?
- Có áo thun thú vị với giá tốt. Tôi đã rất hạnh phúc khi thấy ảnh của mình về Núi Phú Sĩ được in trên áo thun bán ở cửa hàng. Tôi cảm thấy tương tự khi xem áo thun với bức ảnh “Chó hoang.” Tôi cũng hạnh phúc khi gặp người nào mặc áo đó. Thay vì bị đóng khung nằm im, thì tác phẩm đã đi vào đời sống. Tôi thích lắm.
- CH19. Chủ đề của ấn phẩm số này là “Lightness.” Ông nghĩ “ánh sáng” là yếu tố có tác dụng ra sao trong nhiếp ảnh?
- Nhiếp ảnh là ánh sáng và bóng hình. Nhiếp ảnh không tồn tại nếu không có ánh sáng, nhưng bóng đổ khiến cho tác phẩm có chiều sâu hơn.
- CH20. Trong tất cả những “ánh sáng” ông đã chụp trong sự nghiệp nhiếp ảnh, ký ức nào để lại dấu ấn đậm nét nhất?
- Hình ảnh đầu tiên tôi nhớ đến là bức chiếc mũ phớt từ tập ảnh in năm 1982 của tôi Light and Shadow. Một chiếc mũ nằm yên dưới nắng, nhưng ánh sáng và bóng in khiến nó trở nên đặc biệt. Tôi không nói đó là bức ảnh tuyệt đẹp, nhưng đó là hình ảnh tôi nghĩ đến khi bạn hỏi.
- CH21. Ông có lời khuyên gì giúp cải thiện trình độ chụp ảnh không?
- Hãy chụp thế giới như những gì bạn thấy. Dù đó là một bức hay nhiều bức. Khao khát sẽ khiến bạn muốn chụp nhiều hơn. Cuối cùng thì để chụp ảnh giỏi hơn nghĩa là bạn muốn chụp nhiều ảnh thể hiện khao khát của bản thân hơn nữa.
- CH22. Nếu không làm nhiếp ảnh gia, ông sẽ muốn làm nghề gì?
- Tôi nghĩ mình muốn trở thành thủy thủ. Tôi từng thi vào trường hàng hải thương mại nhưng bị đánh trượt môn toán. Họ nói nếu tôi không biết làm toán, tôi không có ích gì khi đi biển cả. Đó là trước khi tôi có máy ảnh, nhưng tôi đã đi nhiều chuyến đến Kobe để xem tàu. Sau khi thi trượt, tôi bắt đầu chụp ảnh kiếm sống.
- CH23. Bộ ảnh nào khiến ông cảm thấy cuối cùng mình đã thực sự là nhiếp ảnh gia?
- Tôi nghĩ đó là tập ảnh đầu tiên, Japan: A Photo Theater. Kịch tác gia Shuji Terayama đã rất tử tế khi viết phần nội dung cho sách. Tôi nhớ từng bức ảnh trong tập sách đó. Khi Terayama dắt tôi đến rạp hát, tôi không thích khung cảnh ở đó. Tôi muốn chuồn khỏi rạp ra quán Mont- Blanc trên đường Jiyugaoka uống cà phê. Một lần, tôi ngồi lại lâu hơn một chút, thế là mọi thứ lóe lên. Ban đầu có thể tôi đã bị cụt hứng, nhưng có điều gì đó đã trỗi dậy trong tôi, và một phần của thứ đó là tìm thấy chính mình qua tác phẩm.
- CH24. Khi nào là lúc khó khăn nhất ông từng trải qua trong đời?
- Chẳng có chuyến hải hành nào dễ dàng cả.
- CH25. Nếu ông có thể chọn bức ảnh cuối cùng của mình, ông sẽ chọn bức nào?
- Tôi hy vọng là bức tôi sẽ đi xuống phố, tay cầm máy ảnh, và chụp một khoảnh khắc khi tôi ngã xuống. Tôi chỉ không thích nếu bị ép vào cảnh đó thôi.
-
©Daido Moriyama Photo Foundation
-
Light and Shadow
Sau năm 1972 Farewell Photography, Moriyama trở lại sau 10 năm với tác phẩm bậc thầy Light and Shadow. Ông có đề cập đến chiếc mũ phớt trong tập ảnh này khi phỏng vấn.

UT Mickey Stands Áo Thun Ngắn Tay
©Disney
- Ảnh chụp bởi Akinobu Maeda
- Chỉnh sửa & Nội dung bởi Tamio Ogasawara