Xin chào,
Haruki

Phỏng vấn Haruki Murakami

  • Hình ảnh Taro Hirano
  • Minh họa Hattaro Shinano
  • Nội dung Keisuke Kagiwada

Murakami nói về cách chọn trang phục: “Tôi cố gắng mặc trang phục thông thường, càng đơn giản càng tốt. Quần jeans và áo thun, với áo len hoặc áo nỉ bên ngoài. Vì không phải lên văn phòng, tôi có thể mặc bất kỳ thứ gì mình thích. Nhưng rốt cục tôi luôn mặc một kiểu quần áo duy nhất. Tôi cũng không biết vì sao lại như vậy.

Thế giới quan độc đáo của tiểu thuyết gia Haruki Murakami đã chinh phục được vô số độc giả, từ Nhật Bản ra toàn thế giới.

Ngoài là một dịch giả, một người chạy bền bỉ, ông còn dẫn chương trình Murakami Radio cho đài phát thanh.

Được ông tiếp đón tại phòng thu, chúng tôi hân hạnh nghe ông chia sẻ về nghề viết lẫn cuộc sống cá nhân.

Murakami nói về cách chọn trang phục: “Tôi cố gắng mặc trang phục thông thường, càng đơn giản càng tốt. Quần jeans và áo thun, với áo len hoặc áo nỉ bên ngoài. Vì không phải lên văn phòng, tôi có thể mặc bất kỳ thứ gì mình thích. Nhưng rốt cục tôi luôn mặc một kiểu quần áo duy nhất. Tôi cũng không biết vì sao lại như vậy.

Thế giới quan độc đáo của tiểu thuyết gia Haruki Murakami đã chinh phục được vô số độc giả, từ Nhật Bản ra toàn thế giới.
Ngoài là một dịch giả, một người chạy bền bỉ, ông còn dẫn chương trình Murakami Radio cho đài phát thanh.
Được ông tiếp đón tại phòng thu, chúng tôi hân hạnh nghe ông chia sẻ về nghề viết lẫn cuộc sống cá nhân.

Q1. Làm nghề phát thanh vui nhất là gì, thưa ông?

Ở nhà, tôi lúc nào cũng nghe nhạc một mình, nhưng cứ nghe mãi như thế cũng thấy trống trải. Trên đài, tôi vừa nghe nhạc vừa nói về chúng, về những suy nghĩ bật ra trong đầu lúc đó, và thế là mọi người cùng nghe. Tôi nghĩ đấy là một cách tương tác tuyệt vời. Tôi luôn giữ lập trường sẽ không xuất hiện trên ti vi, bởi vì tôi không thích bị nhiều người nhận ra khi đang đi dạo trên đường. Làm phát thanh thì không phải lo điều đó.

Q2. Đâu là ký ức đáng nhớ nhất với ông về đài phát thanh?

Đó là lần đầu tiên tôi được nghe những thanh âm của The Beatles, hoàn toàn choáng ngợp. Tôi nhớ rõ đấy là bài “Please Please Me”. Lúc ấy, không một ban nhạc nào chơi được như thế. Tôi cũng cảm thấy rất thư giãn khi lần đầu nghe “Surfin’ U.S.A” của The Beach Boys hay “Light My Fire” của The Doors. Thế giới của tôi đã mở ra rất nhiều nhờ nghe nhạc trên đài. Tình yêu âm nhạc của tôi đã được hình thành nhờ những bài nhạc Anh - Mỹ phát trên đài thời tôi học trung học ở Kobe. Tôi nhớ ở Kobe có một DJ là Teruo Isono. Anh là một nhà phê bình nhạc jazz chuyên nghiệp. Trên đài, anh vẫn phát nhạc pop cho thính giả, song thỉnh thoảng lại chêm vào một bài nhạc jazz và bình luận về nó, một cách lôi kéo thú vị. Với người nghe thì đấy cũng là một trải nghiệm tuyệt vời. Bất kỳ ai cũng có thể ngồi lại và thưởng thức.

Q.3 Ông định nghĩa thế nào là một người có phong cách thời trang?

Tôi nghĩ, trang phục thường ngày quan trọng nhất là mặc sao cho thoải mái. Tôi không thật sự ấn tượng với những người mặc đồ hiệu từ đầu đến chân. Ta mặc đồ chứ đâu để đồ mặc mình.

Q.4 Phong cách ăn mặc của ông có bị ảnh hưởng đặc biệt bởi một ai đó không?

Tôi lớn lên vào thời hoàng kim của VAN JACKET và Ivy League (nhóm tám trường đại học xuất sắc ở miền đông bắc Hoa Kỳ, thanh niên trường này được xem là tinh hoa của thế giới - ND). Dẫu vậy, chuyện quần áo của tôi và các bạn lại chịu ảnh hưởng từ Hollywood. Chúng tôi cố nhái theo phong cách của George Peppard trong Breakfast at Tiffany’s hay Paul Newman trong Harper, với một chiếc áo khoác vải tuýt, áo sơ-mi có hai nút cố định cổ và cà vạt. Nhưng khi trưởng thành, tôi không còn nhái theo ai nữa.

Q5. Ông từng rơi vào một thảm họa thời trang nào chưa?

Vào mùa hè, tôi luôn mặc áo thun, quần ngắn và đi dép xỏ ngón. Lần ấy, tôi được mời đến một nhà hàng truyền thống ở Ginza và mặc nguyên cây vừa nêu đến dự. Người quản lý chặn tôi ngay cửa, nói rằng quán không tiếp những người mặc quần ngắn. Tôi hơi khó chịu, vì dẫu sao mình cũng là khách mời. May thay, tôi lúc nào cũng bỏ trong túi một cái quần dài trong trường hợp cần tiếp khách. Thế là tôi mặc quần dài ngay bên ngoài quần ngắn và được cho vào, dẫu người quản lý kia đã sốc khi chứng kiến điều đó. Chiêu đi đâu cũng thủ quần dài tôi học được từ nhà văn Komimasa Tanaka. Ông rất hay đi đến những buổi chiếu phim. Ngoài trời thì nóng mà trong rạp thì lạnh. Nên ông cứ mặc quần đùi đến rạp rồi khi vào trong thì mặc thêm quần dài. Tôi thấy ý tưởng ấy quá hay nên học theo.

Q6. Tôi được biết thời sống ở Ý, lúc nào ông cũng đeo cà vạt?

Vâng, đúng vậy. Thời gian ấy ở Ý, ra đường mà không đeo cà vạt hay nơ là bị kỳ thị, bước vào nhà hàng sẽ bị bồi bàn dẫn đến những chỗ ngồi xấu nhất. Ban đầu tôi tưởng mình bị phân biệt đối xử, nhưng một ngày kia tôi đeo cà vạt thì lại được mời đến chỗ tuyệt đẹp. À, ra thế. Từ đó, tôi luôn đeo cà vạt khi ra đường và mọi thứ trở nên tuyệt vời. Giờ về sống ở Nhật, tôi không đeo cà vạt nữa, vì đeo vào thì một lúc sau lại có cảm giác như bị thít cổ. Tôi nghĩ việc đeo cà vạt thực sự không tự nhiên một khi nó không còn là thói quen hằng ngày.

Q.7 Ông nghĩ gì về UNIQLO?

Có lần tôi du lịch đến Melbourne, ỷ y Australia sẽ không quá lạnh. Nhưng đến nơi mới nhận ra: ôi nơi này gần Nam Cực mà, lạnh kinh hoàng. Tôi vội vàng mua đại một chiếc áo khoác ở cửa tiệm ngay trước khách sạn. Nhưng sau đó, tôi phát hiện một cửa hàng UNIQLO ở mặt kia tòa nhà và chỉ còn biết than thầm: biết trước thì mình đã vào đó và mua một chiếc áo HEATTECH. Giờ đây, UNIQLO đã có cửa hàng ở mọi nơi trên thế giới, sẽ cứu bạn bất cứ lúc nào trên đường du lịch. Những khi trời đột nhiên trở lạnh hoặc bạn cần đồ mới, chỉ cần tìm đến cửa hàng gần nhất.

Q8. UNIQLO cần làm gì để tốt hơn?

Tôi hy vọng UNIQLO sản xuất đồ thể thao nhiều hơn. Nhưng đồ thể thao cần đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Ngay cả một món ngỡ đơn giản như áo thun chạy bộ thì cùng lúc phải thấm được mồ hôi, co giãn tốt và giữ ấm cơ thể. Nhưng người ta trả tiền cho một chiếc áo đáp ứng đủ các tiêu chí ấy. Quần chạy thôi đã có giá 7.000 hay 8.000 yên, không hề rẻ chút nào. Tôi muốn UNIQLO có thêm đồ thể thao chất lượng với giá rẻ hơn. Vì kiểu gì nó cũng sẽ hao mòn mà.

Q9. Ông đã biến chạy bộ thành thói quen thường nhật, thỉnh thoảng còn tham gia full marathons nữa. Việc chạy có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của ông?

Tôi không biết mình có thể đưa ra một minh chứng rõ ràng không, nhưng sự ảnh hưởng chắc chắn phải có. Tôi còn nghĩ, nếu như không chạy bộ thường xuyên, có lẽ tôi đã viết những quyển sách hoàn toàn khác. Tôi chỉ bắt đầu chạy đều khi đã ngoài ba mươi, vài năm sau khi đóng cửa quán bar nhạc jazz và chính thức xem viết lách như một nghề nghiêm túc. Quản lý một quán bar rất vất vả, nhưng nhờ làm việc quần quật mà tôi giữ được thể trạng. Sau khi chuyển sang viết chuyên nghiệp, việc ngồi suốt làm tôi lên cân chóng mặt. Tôi phát hoảng và phải tập chạy. Và rất nhanh sau đó, tôi nhận ra nếu không chạy thì mình sẽ chẳng thể tích lũy được năng lượng cần thiết để sáng tạo. Một nhà văn có thể tung tẩy viết tới tận bốn mươi tuổi vì khi ấy hãy còn sức trẻ. Nhưng sau đó, cơ thể ta đuối dần và sức viết cũng giảm theo. Việc ngồi bàn giấy cả ngày và viết lách đòi hỏi rất nhiều năng lượng. Ta không thể khiến mình tài năng hơn, nhưng làm mình khỏe hơn thì được.

Q10. Ông có định trở lại một đường chạy nào đó không?

Cũng lâu rồi tôi chưa dự một cuộc thi ba môn phối hợp nào, nên tôi nghĩ mình sẽ thu xếp. Nếu có thể dự những giải này ở tuổi 70 thì ngầu phải biết. Nhưng chắc chắn sẽ phải tập rất kỹ phần đạp xe, nhất là khi phải tập một mình.

Q11. Điều tai hại nhất mà ông từng làm với sức khỏe mình là gì?

Đánh mạt chược thâu đêm. Tôi rất hay ngồi đồng như thế khi còn đi học, kéo bạn bè vào sới và đánh tới sáng, đói thì ăn cơm thố cho nhanh rồi đánh tiếp. Đó là một lối sống không lành mạnh chút nào, đã vậy thời đó tôi còn hút thuốc nữa. Cần bốn người để gầy sòng, nhưng việc trong bàn có một người kém hơn và nghỉ sớm là điều thường thấy. Nhưng tôi thật lòng mong là trước khi mất, mình sẽ có ít nhất một dịp được thức xuyên đêm để chơi mạt chược như thế.

Q12. Về nấu ăn, ông có đặc biệt giỏi một món nào không?

Món xào Konnyaku. Tôi học món này khi chuyển đến sống một mình tại Tokyo. Nguyên liệu được tẩm với katsuobushi (cá ngừ bào), nước tương và sake. Nhưng đó là cả một quá trình công phu, công thức tẩm ướp là bí mật. Gần đây, tôi thường làm món bánh kếp hoặc trứng ốp lết để ăn sáng.

Q13. Hãy kể về kỷ niệm bị xin chữ ký quái đản nhất của ông?

Đó là lúc ở sân vận động Meiji Jingu ở Tokyo, đang mua một ly rượu pha soda thì một cậu nhóc đến đưa cây viết và bảo: “Bác Murakami ơi, bác ký lên quả bóng này giúp con với”. Tôi rất bối rối, sao tôi lại có thể ký tên lên quả bóng được? Nhìn ra xa và tôi thấy cha của đứa bé đang vẫy tay với mình, ông ấy đang đội một cái nón của đội khách Yokohama. Ông ấy có lẽ thừa biết tôi là fan của đội chủ nhà Yakult, và bảo đứa con trai lại tiếp cận tôi. Tôi không có vấn đề gì với việc ký tên cho một fan đến từ Yokohama, nhưng là một fan của đội Tokyo Giants thì lại là một chuyện khác.

Q14. Bìa ấn phẩm lần này do Mizumaru Anzai, cố họa sĩ đã qua đời năm 2014, vẽ. Ông nhớ gì về người bạn này của mình?

Anh ấy là một người độc nhất vô nhị. Tôi nhớ nhiều năm trước, có lần anh ấy dẫn tôi đến một chỗ giống như club ở Aoyama. Có rất nhiều cô gái làm việc ở đó, và một cô đã đến rủ tôi nhảy. Tôi không hứng thú gì mấy, nhưng vừa từ chối thì Anzai cáu ngay. Anh bảo: “Murakami, ai lại đi chối từ khi phụ nữ rủ mình khiêu vũ cơ chứ”. Thế là tôi ra nhảy với cô ấy. Ngày hôm sau, anh ấy bắt đầu rêu rao với đám bạn của chúng tôi là “Hôm qua, Murakami nó rủ một cô khiêu vũ đấy”. Tức mình, tôi quyết định báo thù bằng cách cho con mèo của mình dọa anh ta phát khiếp. Anzai là người cực kỳ sợ chó, mèo. Mà con mèo của tôi rất khôn, nó biết cách khiến những người sợ mèo phải phát khiếp. Chúng tôi có rất nhiều câu chuyện nghịch ngợm như thế, có những chuyện tôi sẽ không bao giờ kể cho ai.

Q15. Sao ông lại cự tuyệt với mạng xã hội?

Bởi vì trên ấy gần như chẳng có gì hay để đọc cả. Đọc những áng văn xúc động và nghe nhạc hay làm cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn. Nên điều tốt nhất mà ta có thể làm với nhạc dở và văn tồi là tuyệt đối phớt lờ chúng.

Q16. Ông khởi sự viết văn chuyên nghiệp vào những năm ba mươi. Vậy điều gì đã thôi thúc ông duy trì nghiệp cầm bút?

Khi bắt đầu một dự án mới, tôi luôn có gì đó muốn kể. Tôi có một nguyên tắc: không bao giờ viết theo đơn đặt hàng. Tôi chỉ cảm thấy thoải mái khi được kể câu chuyện mình muốn, rồi gửi cho biên tập sau khi xong bản thảo. Khi không muốn viết, tôi dừng lại. Tôi đã làm thế suốt hai mươi năm qua. Tôi cũng chuẩn bị cho một tương lai không viết lách, về mở một club nhạc jazz ở Aoyama. Tôi đã nghĩ ra tên club, thảo luôn thực đơn và mọi thứ. Nhưng những ý tưởng mới cứ đến và tôi cứ viết. Ngày mở club e còn xa, nhưng đấy là một ý tưởng thú vị. Cứ tưởng tượng cảnh được thuê một người chơi piano trong bar, rồi đứng ở quầy pha rượu và nói ra: “Ơ, tôi đã nói đừng có chơi bài ấy rồi mà!”.

Q17. Có bao giờ ông nghĩ mình sẽ làm một nghề khác không?

Tôi từng nghĩ về việc mở một cửa tiệm bán băng đĩa cũ. Có lần tôi bước vào một tiệm như thế ở Paris, chủ tiệm tình cờ cũng là người Nhật. Vừa thấy tôi, anh ta nói: “Anh cũng là người Nhật à? Thế thì xin lỗi, vì anh sẽ chẳng tìm thấy gì đặc biệt ở đây đâu. Vì những cái đĩa này đều từ Nhật mà ra ấy mà”. Tôi đoán người Pháp rất mê các đĩa Blue Note được King Records tái bản và các album nhạc jazz được phát hành tại Nhật. Nơi này tràn ngập những chiếc đĩa cũ, tôi ngắm nhìn đến mê mẩn và được chủ tiệm mời trà tiếp chuyện. Anh kể, trước khi mở tiệm, anh đã đi vòng quanh thế giới như một người chuyên thu mua những đĩa jazz đã qua sử dụng. Ở Nhật Bản, các bác sĩ hay kỹ sư rất mê nhạc jazz và sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để sưu tập. Họ chỉ không có thời gian để truy lùng mà thôi. Nên những người như anh sẽ thay họ làm việc đó. Khi nhìn thấy một chiếc đĩa cũ nào, anh ta sẽ gọi điện về Nhật và hỏi: “Nào, tôi đang có cái đĩa mà anh thích đây, giá cả thế này, mua không?”. Nếu như họ đồng ý, anh sẽ mua đi bán lại cho họ và ăn hoa hồng. Tôi thấy nghề này cũng thú vị.

Murakami đã cảm nhận được sức hút của các bản ghi đã qua sử dụng trong hơn nửa thế kỷ. “Đó là một cơn nghiện hơn là một sở thích và tại thời điểm này, đã quá muộn để tôi từ bỏ nó. Đĩa hát đầu tiên tôi mua là The Many Sides of Gene Pitney, khi tôi mười bốn tuổi. Khi tôi nghe nó trên đài phát thanh, tôi đã biết là tôi thích và phải mua nó cho bằng được. Đó là một món hời, có thể là 1.000 yên. Mặc dù hồi đó, 1.000 yên là một số tiền điên rồ, khoảng sáu mươi năm trước."

Q18. Những ý tưởng đến với ông như thế nào?

Không phải tự nhiên mà đến đâu. Tôi cho chúng là những thứ đã có sẵn trong lòng mình, một hôm trỗi dậy và có yêu cầu được thoát ra. Trước khi ý tưởng ấy kịp chạm vào trái tim mình, tôi đã có lộ trình rất rõ ràng cho nó với rất nhiều đầu việc phải làm, giống như người nông dân ngồi tết rơm thành đồ thủ công trong mùa nông nhàn. Trong lúc chờ ý tưởng đủ chín, tôi sẽ dịch sách hoặc viết bài luận. Làm một nhà văn, thời gian chờ bao giờ cũng lâu hơn thời gian viết.

Q19. Ông từng bảo không bao giờ đọc lại sách mình viết. Vì sao vậy?

Khi quyển sách bắt đầu hành trình bước ra thế giới, tôi không còn kết nối với nó nữa. Trong lúc viết, tôi đã làm mọi thứ có thể, đã đọc đi đọc lại nó không biết bao lần. So sánh hơi khập khiễng, nhưng quyển tiểu thuyết giống như quần lót ấy. Mặc vào thì rất thoải mái nhưng đã cởi ra thì không muốn lại gần. Nhưng lạ kỳ là tôi có thể đọc lại tiểu thuyết của mình sau khi nó được người khác dịch sang tiếng Anh. Thường thì sẽ mất hai năm để tiểu thuyết của tôi có một bản dịch trên thị trường. Khi ấy tôi gần như quên hết cốt truyện do chính mình nghĩ ra. Và khi đọc thì thấy vui như mới vậy. Có lần khi tôi vừa lái xe vừa nghe đài, người phát thanh đang đọc một quyển sách thật thú vị. Tôi chăm chú lắng nghe, tự hỏi ai mà viết hay thế. Hóa ra… tôi viết chứ ai. Đó là bài luận với nhan đề “Tiếng trống xa” (Distant Drums).

Q21. Ông định nghĩa thế nào là tài năng?

Tôi không dám đưa ra định nghĩa. Nhưng tôi biết nếu ta cậy tài thì sẽ chẳng thể đi đến đâu cả. Thành quả mới là điều quan trọng nhất. Rất nhiều người có tài sau đó thất bại, và ngược lại nhiều người được xem là không tài năng lại thành công. Tôi cứ suy nghĩ vì sao lại thế, nhưng không tài nào trả lời được.

Q22. Theo ông, yếu tố then chốt để quyết định một bản dịch tốt là gì?

Là đôi tai. Tôi cho là nếu không nhạy cảm với thanh âm thì không thể dịch tốt được. Ban đầu, tôi cảm thấy thật điên rồ khi cố dịch tiếng Anh - vốn là những hàng ngang - sang tiếng Nhật - gồm toàn hàng dọc. Nếu muốn bản dịch điên rồ của mình đọc được, nhất định phải dùng tai mà lắng nghe nhịp điệu của văn bản, nếu không thì có thể bỏ xó mà thôi. Nếu muốn, bạn có thể đọc bằng mắt và nghe bằng tai. Thay vì đọc văn bản thật lớn, bạn cần trau dồi khả năng lắng nghe. Từ cách chọn từ đến dấu câu, tất cả đều phải đến từ một sự cảm âm thật tốt.

Q23. Việc nghe nhạc qua bao năm tháng đã góp phần giúp cho đôi tai của ông trở nên nhạy cảm?

Tôi luôn có niềm tin là chỉ cần nghe nhạc hay thường xuyên, kỹ năng viết cũng sẽ cải thiện.

Q24. Ông không viết thêm một quyển phi hư cấu nào kể từ sau Ngầm (Underground), quyển sách mà ông đã phỏng vấn hàng loạt nạn nhân trong vụ rải chất độc ở tàu điện ngầm Tokyo. Sao thế ạ?

Viết phi hư cấu đòi hỏi rất nhiều đầu việc phải làm, nghĩa là phải bỏ ra rất nhiều thời gian. Nên trừ phi có một đề tài mà tôi không thể không viết, có lẽ còn lâu nữa tôi mới trở lại với thể loại này, dẫu chủ đề thì không bao giờ thiếu. Gần đây, tôi xuất bản một quyển sách có tựaAbandoning a Cat. Sách viết về một nhân vật rất gần gũi là cha tôi, nhưng việc nghiên cứu tư liệu thôi cũng tốn công khủng khiếp. Tất nhiên là tôi có thể trực tiếp đến hỏi ông, nhưng chúng tôi từ lâu đã không nhìn mặt nhau. Dẫu vậy, tôi biết một ngày nào đó mình phải viết về ông. Tôi cứ trù trừ mãi, nhưng vì người thân trong nhà cứ lần lượt qua đời, tôi biết mình không trì hoãn được nữa.

Q25. Đại học Waseda dự định mở thư viện Haruki Murakami (*) vào năm 2021. Cơ duyên nào dẫn đến việc này thế?

Tôi muốn tạo ra một kho lưu trữ các bản thảo, tiểu thuyết, bản dịch cũng như kho tàng đĩa nhạc mà tôi đã sưu tầm. Đấy là món quà dành cho hậu thế, vì tôi không có con. Một trong những món được trưng bày ở thư viện là bản nháp đầu tiên của Rừng Na Uy. Đó là một bản thảo viết tay, ra đời tại châu u. Tôi đã dùng rất nhiều sổ và văn phòng phẩm mua ở Ý để hoàn thành bản nháp đầu tiên ấy, nên đây sẽ là một tài liệu thú vị. Nhưng hiện tại, phạm vi trưng bày đã mở rộng hơn một chút, ý tưởng là tạo ra một nơi dành cho sự giao thoa văn hóa lẫn văn học giữa Nhật Bản và các quốc gia khác. Sự giao thoa ở đây được dùng theo nghĩa rộng, nơi mà mọi người trên thế giới muốn nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản có thể đến và kết nối với nhau.

(*) (chú thích): Thư viện Haruki Murakami là biệt danh của Nhà văn học quốc tế Waseda, dự kiến mở cửa vào mùa thu 2021. Murakami đã ủy quyền cho Waseda chăm nom, lưu trữ và trình bày những bản thảo viết tay, các tài liệu liên quan và các bản dịch tác phẩm của mình ra nhiều thứ tiếng khác nhau, chưa kể bộ sưu tập đồ sộ gồm hàng vạn đĩa hát. Nằm kề bên Bảo tàng Nhà hát Tưởng niệm Tsubouchi, thư viện được xây dựng bởi kiến trúc sư Kengo Kuma.

Q26. Ông tự nhận mình là “người kín đáo”. Vậy việc lập trung tâm trao đổi văn hóa phải chăng là biểu hiện của một sự thay đổi trong tính cách?

Vị trí của tôi đã thay đổi rất nhiều thời gian qua. Tôi từng cảm thấy thoải mái với việc làm mọi thứ một mình, nhưng khi ngày một lớn tuổi hơn và có được một vị thế xã hội nhất định, tôi bắt đầu nhận ra mình cần phải sống đúng với trọng trách của mình. Sau bao nhiêu năm sống ở nước ngoài, tôi có thể tự gọi mình là một người kín đáo, tôi có thể sống ở mọi nơi, nhưng theo thời gian, một phần trong tôi cứ muốn mình sống đúng với nhân dạng là một nhà văn Nhật. Và cảm giác ấy ngày một trở nên cấp bách, chính nó thôi thúc tôi tạo ra thư viện này.

Haruki Murakami
Nhà văn

Sinh năm 1949 tại Kyoto. Năm 1979, trình làng văn giới với Lắng nghe gió hát, các tác phẩm đáng chú ý nhất của ông gồm Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển1Q84. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới và nhận được vô số giải thưởng, trong đó có giải Franz Kafka. Ông cũng dày công dịch những tác phẩm văn học có ảnh hưởng đến mình nhất, như Gatsby vĩ đại hay Bắt trẻ đồng xanh. Ông đã xem phim Harper nhiều hơn bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào và cũng rất mê bộ tiểu thuyết mà nó chuyển thể. Murakami Radio được phát trên đài TOKYO FM và được tiếp sóng bởi ba mươi bảy đài khác trên hệ thống JFN.

Share This Page